Top game bài đổi thưởng - GameLoop chính thức

CÔNG TY TNHH MTV

TỔNG CÔNG TY CAO SU ĐỒNG NAI

Menu

Tin Tức

71 năm Ngày truyền thống Ngành Kiểm tra của Đảng (16-10-1948 - 16-10-2019)

Sự ra đời của Ban Kiểm tra Trung ương - Cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng là một tất yếu khách quan, nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng Đảng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là căn cứ để Thường vụ Bộ Chính trị khoá VIII đồng ý lấy ngày 16.10.1948 là Ngày truyền thống Ngành Kiểm tra của Đảng.

          Ngày 03-02-1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), sau một thời gian chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đồng chí Nguyễn Ái Quốc với tư cách là đại diện của Quốc tế Cộng sản đã đứng ra triệu tập hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đánh dấu bước ngoặt lịch sử của cách mạng nước ta. Là một chính đảng tiền phong cách mạng, ngay từ khi mới thành lập cũng như trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là khi đã trở thành đảng cầm quyền, Đảng ta đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra và vấn đề giữ gìn kỷ cương, kỷ luật của Đảng, luôn xác định: Công tác kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, muốn lãnh đạo thì phải kiểm tra, không kiểm tra coi như không lãnh đạo. Điều lệ Đảng tháng 10.1930 đã ghi rõ: "Trách nhiệm của đảng viên và các đảng bộ là giữ theo kỷ luật của Đảng một cách rất nghiêm khắc".

          Trước yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, sự phát triển của tổ chức Đảng, công tác kiểm tra cần được tăng cường, ngày 16.10.1948, tại Chiến khu Việt Bắc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Quyết nghị số 29-QN/TW về việc thành lập Ban Kiểm tra Trung ương. Quyết nghị có đoạn ghi: "...Trung ương quyết định thành lập Ban kiểm tra đi xuống các khu xét xem chủ trương của Đảng có được thi hành và có sát đúng không, đồng thời xem xét sự thi hành kỷ luật trong Đảng để thu thập kinh nghiệm giúp Trung ương bổ khuyết chính sách của Đảng..." . Lãnh đạo Ban Kiểm tra Trung ương đầu tiên gồm các đồng chí: Trần Đăng Ninh, Uỷ viên Trung ương Đảng; đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Uỷ viên Thường vụ Khu uỷ; đồng chí Hà Xuân Mỹ (tức Hà Minh Quốc) Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, do đồng chí Trần Đăng Ninh làm Trưởng ban. Ban Kiểm tra Trung ương làm việc tại đồi Pụ Miếu, xóm Phủng Hiển, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên ngày nay. Sau đó, các ban kiểm tra của khu ủy, liên khu ủy lần lượt được thành lập, như: Ban Kiểm tra Khu ủy Khu X thành lập tháng 10.1948, Ban Kiểm tra Liên Khu ủy Khu V thành lập tháng 4.1949, Ban Kiểm tra Khu ủy Khu I thành lập tháng 7.1949, Ban Kiểm tra Liên Khu ủy Việt Bắc thành lập tháng 12.1949…

          Sự ra đời của Ban Kiểm tra Trung ương - Cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng là một tất yếu khách quan, nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng Đảng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là căn cứ để Thường vụ Bộ Chính trị khoá VIII đồng ý lấy ngày 16.10.1948 là Ngày truyền thống Ngành Kiểm tra của Đảng.

          Từ khi ra đời đến nay, cơ quan kiểm tra chuyên trách của Đảng đã nhiều lần được bổ sung, điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, phát triển về tổ chức và đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng.

          Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2.1951), Ban Chấp hành Trung ương quyết nghị: "Ban Kiểm tra Trung ương sẽ kiêm Ban Thanh tra của Chính phủ, có trách nhiệm kiểm tra cả trong quân đội", vì vậy, Ban Kiểm tra Trung ương Đảng và Ban Thanh tra Chính phủ hợp nhất làm một, đồng chí Hồ Tùng Mậu, Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương được cử kiêm chức Tổng Thanh tra Chính phủ. Tháng 4.1956, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử làm Trưởng ban Kiểm tra Trung ương kiêm Tổng Thanh tra Chính phủ. Đến Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 (tháng 3.1957), căn cứ vào tình hình thực tế, Trung ương quyết định tách riêng Ban Kiểm tra Trung ương Đảng và Ban Thanh tra Chính phủ.

          Ngày 6.3.1956, Bộ Chính trị khóa II ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về việc tăng cường lãnh đạo công tác kiểm tra và kiện toàn tổ chức ban kiểm tra các cấp. Từ đó, ban kiểm tra các khu ủy, tỉnh ủy, thành ủy được thành lập, như: Ban Kiểm tra của Liên khu ủy Khu III và Ban Kiểm tra Khu ủy Tả Ngạn thành lập tháng 10.1956, Ban Kiểm tra Khu ủy Tây Bắc thành lập tháng 2.1959, ..., cho đến cuối nhiệm kỳ Đại hội II, Ban kiểm tra đã được thành lập từ Trung ương đến cấp khu và cấp tỉnh, thành.

          Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9.1960), Điều lệ Đảng quy định: "Ban Chấp hành Trung ương, các Ban chấp hành khu tự trị, tỉnh, thành phố trực thuộc, huyện, quận, thị, thành phố và khu phố (thuộc thành phố trực thuộc) cử ra Ủy ban kiểm tra của cấp mình gồm một số ủy viên trong Ban chấp hành. Ngoài ra, có thể cử một số ủy viên ngoài Ban chấp hành". Cũng từ Đại hội III, Ban kiểm tra các cấp được đổi tên thành Ủy ban kiểm tra và do cấp ủy cùng cấp bầu ra. Do đặc điểm thời kỳ lịch sử lúc đó, ở miền Bắc, tính từ Vĩnh Linh trở ra, Ủy ban kiểm tra mới được thành lập đến cấp quận, huyện và tương đương ở 31 tỉnh, thành phố và 7 đảng bộ trực thuộc Trung ương; công tác kiểm tra ở các khu, tỉnh phía Nam vẫn do các cấp ủy trực tiếp chỉ đạo.

          Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp ngày 23.01.1961 quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, do Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo. Trung ương Cục miền Nam chủ trương giải thể các Liên tỉnh ủy, thành lập 6 khu ủy trực thuộc Trung ương Cục.

          Để tăng cường công tác xây dựng Đảng, quản lý, kiểm tra các cơ sở đảng và đảng viên ở Đảng bộ miền Nam, ngày 14.8.1969 tại tỉnh Tây Ninh, Trung ương Cục miền Nam ra Nghị quyết số 13/NQ về việc thành lập ban kiểm tra các cấp nhằm "... giữ gìn và đề cao kỷ luật trong Đảng, đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với việc chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng…". Ban Kiểm tra Trung ương Cục được thành lập gồm 3 đồng chí: Phan Văn Đáng (Hai Văn), Phó Bí thư Trung ương Cục làm Trưởng Ban; đồng chí Hai Mai, Phó Ban Tổ chức Trung ương Cục và đồng chí Nguyễn Văn Trọng làm Ủy viên. Nơi làm việc của Ban Kiểm tra Trung ương Cục tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Sau ngày 30.4.1975, Ban Kiểm tra Trung ương Cục miền Nam hợp nhất vào Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

          Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Liên Khu ủy V và Khu ủy Khu V là địa bàn khốc liệt với nhiều hy sinh, thử thách, tổ chức của Liên Khu ủy, Khu ủy và các tỉnh trong khu vực được chia tách, sáp nhập qua nhiều giai đoạn, công tác kiểm tra do Liên Khu ủy, Khu ủy trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Đến tháng 3 năm 1970, tại Hội nghị lần thứ 10, Khu ủy Khu V quyết định thành lập Ban Kiểm tra Khu ủy do đồng chí Trần Kiên, Ủy viên Thường vụ Khu ủy làm Trưởng ban, sau đó đồng chí Bùi San, Thường vụ Khu ủy làm Trưởng ban; đồng chí Phạm Chánh, Khu ủy viên và đồng chí Hoàng Nguyên Trường làm Phó Trưởng ban. Khu vực Nước Oa, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam ngày nay là nơi làm việc đầu tiên của Ban Kiểm tra Khu ủy Khu V. Tháng 10.1975, Khu ủy Khu V giải thể, cán bộ kiểm tra được chuyển về Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

          Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3.1982), Điều lệ Đảng quy định đảng uỷ cơ sở được cử uỷ ban kiểm tra. Như vậy, từ Đại hội V đến nay, uỷ ban kiểm tra được thành lập thành một hệ thống hoàn chỉnh và thống nhất từ Trung ương đến đảng ủy cơ sở.

          Từ ngày thành lập đến nay, cùng với việc phát triển về tổ chức, qua mỗi nhiệm kỳ đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm tra đã được bổ sung, sửa đổi và quy định trong Điều lệ Đảng. Từ nhiệm vụ phục vụ cấp uỷ kiểm tra việc thực hiện đường lối kháng chiến kiến quốc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, xem xét tư cách và cách làm việc của cán bộ, đảng viên, xem xét những việc bất thường xảy ra, kiểm tra những vụ đảng viên làm trái Điều lệ, vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước, vi phạm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, vi phạm đạo đức cách mạng của người đảng viên, giải quyết thư tố cáo và khiếu nại kỷ luật, kiểm tra tài chính của Đảng, đến kiểm tra việc thi hành kỷ luật của tổ chức đảng ở cấp dưới, kiểm tra thực hiện chỉ thị, nghị quyết (thường gọi là kiểm tra chấp hành); kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm v.v. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng ủy ban kiểm tra các cấp đã được bổ sung nhiệm vụ "Giám sát cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ diện cấp ủy cùng cấp quản lý và tổ chức đảng cấp dưới về việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng, nghị quyết của cấp ủy và đạo đức, lối sống...". Riêng thẩm quyền xem xét kỷ luật của Ủy ban kiểm tra đã được quy định từ Điều lệ Đảng khóa III, theo đó, Ủy ban kiểm tra từ cấp huyện ủy, quận uỷ, thị ủy trở lên có quyền thi hành kỷ luật đối với đảng viên, kể cả cán bộ thuộc diện cấp trên quản lý, nhưng không phải cấp ủy viên; quyền chuẩn y hoặc thay đổi hình thức kỷ luật trong việc giải quyết khiếu nại kỷ luật của đảng viên. Điều lệ Đảng từ khóa VIII đến nay, bổ sung quy định: Ủy ban kiểm tra có quyền yêu cầu tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên báo cáo, cung cấp tài liệu về những vấn đề liên quan đến nội dung kiểm tra.v.v...

          Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định, trong những năm qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ủy ban kiểm tra các cấp đã chủ động phối hợp với các tổ chức đảng có liên quan tham mưu và tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp uỷ giao, trong đó tham gia phục vụ nhiều cuộc vận động lớn, làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của Đảng, như: thực hiện 3 chống (chống tham ô, lãng phí, quan liêu) ở ngành mậu dịch trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; thực hiện Nghị quyết 228-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa III về chống và bài trừ tệ lấy cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, tệ làm ăn phi pháp; thực hiện Chỉ thị 192-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương khóa III về việc đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng; kiểm tra thực hiện "chế độ lãnh đạo có kiểm tra" theo Chỉ thị 34-CT/TW của Ban Bí thư khóa V; thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VII về ngăn chặn và bài trừ tệ tham nhũng, buôn lậu; thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII...; thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; gần đây là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (khóa XI) về việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Qua việc thực hiện các nhiệm vụ này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ủy ban kiểm tra các cấp đã phục vụ đắc lực, giúp các cấp ủy đảng trong mỗi đợt sinh hoạt tự phê bình và phê bình, góp phần giải quyết kịp thời các vụ việc bức xúc, nổi cộm, ban hành một số quy định để cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết.

          Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ủy ban kiểm tra các cấp đã tham mưu, giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đảng ban hành các văn kiện về công tác kiểm tra, giám sát thành hệ thống các quan điểm và đặt nền móng lâu dài cho công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng, trong đó nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, hướng dẫn đã được tổ chức thực hiện nghiêm túc và có tác dụng rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, như: Chỉ thị số 29-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về tăng cường công tác kiểm tra của Đảng, Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm (Bộ Chính trị khóa VIII ban hành, sau đó được bổ sung sửa đổi trong các khóa IX, X, XI), Kết luận số 72-KL/TW của Bộ Chính trị khóa X về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020, Quy chế giám sát trong Đảng, Quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.v.v.

          Suốt chặng đường lịch sử 71 năm qua, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban kiểm tra các cấp luôn bám sát nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ cách mạng, tích cực và chủ động thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ do cấp ủy giao. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng đã giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực tiễn cuộc sống; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của cấp ủy; việc giữ gìn bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, phương pháp, tác phong công tác, lề lối sinh hoạt của cán bộ, đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, giúp các cấp ủy đảng làm hạt nhân lãnh đạo và đoàn kết toàn dân, toàn quân vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc.

          Từ ngày đầu thành lập, Ban Kiểm tra Trung ương chỉ có 3 thành viên chuyên trách và một số ít cán bộ giúp việc, đến nay Ngành Kiểm tra của Đảng đã có gần 2 vạn cán bộ chuyên trách và gần 8 vạn cán bộ kiểm tra kiêm chức các cấp. Cùng với việc kiện toàn tổ chức bộ máy từ Trung ương đến cơ sở đảng, trong các giai đoạn của cách mạng, lúc chiến tranh hay khi đã hoà bình, trước diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế hay những khó khăn trong nước, kể cả những thời điểm thử thách, gay go, quyết liệt nhất, đội ngũ cán bộ kiểm tra luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, tin tưởng ở sự lãnh đạo và chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hầu hết có ý thức tổ chức kỷ luật và lối sống liêm khiết, lành mạnh; trung thực, đoàn kết, thương yêu đồng chí; luôn hết lòng, hết sức, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, bền bỉ, cần mẫn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tiêu biểu là thế hệ cán bộ kiểm tra của những năm gian khổ, quyết liệt, hào hùng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trong đó, nhiều đồng chí nay không còn nữa hoặc đã nghỉ hưu, nhưng công lao, kinh nghiệm, sự gương mẫu, tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức và ý chí phấn đấu của các đồng chí đã góp phần tạo nên truyền thống cao đẹp, là nguồn động viên, khích lệ mạnh mẽ các thế hệ cán bộ làm công tác kiểm tra về sau. Quá trình và công lao cống hiến cho cách mạng, nhiều tập thể và cá nhân trong Ngành đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, danh hiệu cao quý; Ngành Kiểm tra Đảng đã được tặng thưởng Huân chương Sao vàng nhân kỷ niệm 55 năm thành lập; Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã được tặng thưởng Huân chương Sao vàng nhân kỷ niệm 60 năm thành lập. Các thế hệ cán bộ kiểm tra của Đảng đã xây đắp nên truyền thống "Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, kỷ cương và tận tụy".

Hoàng Long tổng hợp

backtop